Soạn bài “Mùa xuân nho nhỏ” ngữ văn lớp 9 đầy đủ, chi tiết nhất

Soạn bài “Mùa xuân nho nhỏ” Thanh Hải ngữ văn lớp 9 đầy đủ, chi tiết nhất

Soạn bài “Mùa xuân nho nhỏ” Thanh Hải ngữ văn lớp 9 đầy đủ, chi tiết nhất

Bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” là một lưu bút ghi dấu ấn của nhà thơ Thanh Hải trong những năm tháng cuối cùng của cuộc đời thi sĩ. Tác phẩm là ghi lại những khoảnh khắc trong trẻo của thiên nhiên xứ Huế trong lòng nhà thơ cũng như tình yêu đời, yêu người sâu sắc. Trong bài viết này, Công Decor sẽ hướng dẫn bạn cách soạn bài ” Mùa xuân nho nhỏ “ của Thanh Hải một cách đầy đủ, chi tiết nhất! Mời bạn đọc theo dõi!

Kiến thức tác phẩm cần nhớ

Tác giả:

  • Thanh Hải

Tác phẩm:

  • Hoàn cảnh ra đời

Bài thơ ra đời trong một hoàn cảnh đặc biệt: tháng 11- 1980, chỉ ít ngày trước khi nhà thơ qua đời.

  • Bố cục – Mạch cảm xúc

+ Khổ 1 (gồm 6 dòng thơ): cảm xúc về mùa xuân của thiên nhiên, đất trời

+ Khổ 2,3: Cảm xúc về mùa xuân đất nước.

+ Khổ 4,5: Suy nghĩ và ước nguyện của nhà thơ trước mùa xuân đất nước.

+ Khổ cuối: Lời ca ngợi quê hương, đất nước qua điệu dân ca xứ Huế.

  • Ý nghĩa nhan đề (4 ý nghĩa)

– Mùa xuân: khái niệm chỉ thời gian, từ “nho nhỏ” tính từ chỉ kích thước làm hình ảnh mùa xuân hiện lên có hình khối cụ thể, gợi hình ảnh mùa xuân với vẻ đẹp riêng + tính khiêm nhường

– Tạo ẩn dụ đẹp, biểu tượng cho những gì tinh túy, đẹp đẽ nhất của sự sống và cuộc đời mỗi người.

– Gắn với ước nguyện của nhà thơ muốn được làm mùa xuân nhỏ góp phần vào mùa xuân lớn của đất nước, của cuộc đời chung.

=>thể hiện mối quan hệ hài hòa giữa cá nhân nhỏ bé với cộng đồng, giữa cái riêng và cái chung

– Nhan đề định hướng cảm xúc và cách xây dựng hình tượng mùa xuân bao trùm tác phẩm.

Soạn bài “Mùa xuân nho nhỏ” ngữ văn lớp 9 đầy đủ, chi tiết nhất
Soạn bài “Mùa xuân nho nhỏ” ngữ văn lớp 9 đầy đủ, chi tiết nhất

Gợi ý phân tích bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ”

Mùa xuân của thiên nhiên , đất trời (khổ 1)

Mọc giữa dòng sông xanh

Một bông hoa tím biếc

Ơi con chim chiền chiện

Hót chi mà vang trời

Từng giọt long lanh rơi

Tôi đưa tay tôi hứng.

Khái quát: Bằng ngôn từ, nhà thơ Thanh Hải đã vẽ lên một bức tranh thiên nhiên mùa xuân rất đẹp, đầy sức sống qua 3 chi tiết: một dòng sông xanh, một bông hoa tím biếc và tiếng chim chiền chiện.

=> Mở ra không gian cao rộng, màu sắc tươi tắn và âm thanh vang vọng của mùa xuân.

– Biện pháp tu từ: đảo ngữ , đưa động từ “mọc” lên đầu câu

=> ấn tượng về sức sống đang trỗi dậy và vươn lên. Bông hoa không ở trạng thái tĩnh mà đang như chuyển động từ từ vươn lên, xoè nở trên mặt nước trong xanh.

– Sự phối màu hài hòa:

  • Màu xanh lam: gắn với màu nước của dòng sông Hương – con sông đặc trưng của xứ Huế.
  • Màu tím biếc: màu sắc giản dị, thủy chung – màu tím mộng mơ của xứ Huế nên thơ.

=> Sự phối sắc mang vào đó nét đẹp rất riêng của thiên nhiên xứ Huế – mảnh đất nhà thơ đã sinh ra, lớn lên và gắn bó đến cuối đời.

– Âm thanh:

  • Tiếng chim chiền chiện tạo nên nhạc điệu cho câu thơ, như giai điệu tươi vui của mùa xuân.
  • Từ cảm thán “ơi, chi” mang chất giọng ngọt ngào, gần gũi của người dân xứ Huế.
  • Câu hỏi tu từ :Hót chi mà vang trời => tâm trạng ngỡ ngàng, thích thú của tác giả trước thanh âm của thiên nhiên mùa xuân.

Cảm nhận của nhà thơ trước vẻ đẹp của sức sống mùa xuân đc thể hiện qua 2 câu cuối:

“Từng giọt long lanh rơi.

Tôi đưa tay tôi hứng”

– Hình ảnh: giọt long lanh: 2 cách hiểu

  • Giọt mưa xuân long lanh trong ánh sáng mặt trời
  • Giọt âm thanh của tiếng chim. Tiếng chim đang vang xa bỗng gần lại, rõ ràng, tròn trịa như kết thành những giọt và nhà thơ đưa tay hứng từng giọt âm thanh ấy.

– Ẩn dụ chuyển đổi cảm giác: âm thanh nghe bằng tai, nhưng ở đây nhà thơ lại “hứng” – cảm nhận bằng xúc giác

– Động từ “hứng” : Thể hiện tấm lòng trân trọng, nâng niu vẻ đẹp của thiên nhiên đất trời của tác giả.

=> Thanh Hải đã thực sự đón nhận mùa xuân với tất cả sự tài hoa của ngòi bút, sự thăng hoa của tâm hồn.

Cảm xúc về mùa xuân đất nước.

Mùa xuân người cầm súng

Lộc giắt đầy quanh lưng

Mùa xuân người ra đồng

Lộc trải dài nương mạ

Tất cả như hối hả

Tất cả như xôn xao

Khái quát: Đây là mùa xuân của con người đang lao động và chiến đấu.

– Hình ảnh “người cầm súng, người ra đồng” biểu trưng cho hai nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và lao động dựng xây lại quê hương sau những đau thương mất mát.

– Hình ảnh “lộc” vừa mang ý nghĩa tả thực, vừa mang ý nghĩa biểu tượng.

  • “Lộc” là chồi non, lá non
  • “Lộc” còn có nghĩa biểu tượng cho mùa xuân, là sức sống, là thành quả.

=> Người cầm súng giắt lá ngụy trang đang đâm chồi nảy lộc trên lưng như mang theo sức xuân vào trận địa.

=> Người ra đồng gieo xuống đất những mầm mạ non như gieo mầm sống trên từng cánh đồng để chờ ngày gặt hái.

– Điệp từ “mùa xuân”, “lộc” + cấu trúc đối xứng

=> miêu tả hai công việc song hành cùng với nhau để bảo vệ và xây dựng mọi miền Tổ quốc bằng sức sống của niềm tin và lao động.

– Điệp cấu trúc “tất cả như” + 2 từ láy “hối hả và xôn xao”

=> khẩn trương của con người trong công cuộc lao động và bảo vệ đất nước

=> làm tăng thêm sức xuân phơi phới, mãnh liệt trong mỗi con người và trong cả cộng đồng rộng lớn là dân tộc.

Nhấn mạnh rằng: Khi Tổ quốc giành được độc lập, đó chính là sự khởi đầu để mỗi người dân chung tay cùng bảo vệ và xây dựng đất nước. Sự khởi đầu này giống như mùa xuân tươi mới giúp mọi người thêm sức sống, thêm niềm tin hơn vào công việc và cuộc sống.

Mùa xuân của đất nước

Ðất nước bốn nghìn năm

Vất vả và gian lao

Ðất nước như vì sao

Cứ đi lên phía trước.

– Bốn nghìn năm: chính là chiều dài lịch sử bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.

=> Đó là truyền thống anh hùng trong đánh giặc, cần cù trong lao động, là truyền thống nhân ái, là khát vọng hòa bình.

– Hai tính từ “vất vả và gian lao” : đơn giản mà mang ý nghĩa sâu xa, tô đậm những khó khăn, mất mát mà dân tộc đã đi qua.

Làm rõ: Suốt chiều dài 4000 năm lịch sử, Việt Nam đã phải chiến đấu sống còn với rất nhiều giặc ngoại xâm để bảo vệ bờ cõi, hứng chịu mưa bom bão đạn để chiến thắng quân thù, khắc phục thiên tai để xây dựng đất nước như ngày hôm nay.

=> Thành quả này đã xây đắp bằng biết bao mồ hôi, nước mắt và cả máu của các thế hệ cha ông đi trước.

=> Nhắc lại khiến nhà thơ trào dâng niềm tự hào + biết ơn sâu sắc về công lao dựng nước và giữ nước của cha ông.

– So sánh: đất nước như vì sao

=> Hình ảnh so sánh gợi liên tưởng về vẻ đẹp + ánh sáng + hy vọng

=> thể hiện một niềm tin sáng ngời, ngợi ca đất nước hùng mạnh, trường tồn.

– Ba tiếng “cứ đi lên”: đã thể hiện ý chí quyết tâm + niềm tin sắt đá của dân tộc để xây dựng đất nước sánh vai với các cường quốc năm châu.

=> Đặt bài thơ vào những năm 80 khi nước ta còn đang phải đương đầu với bao khó khăn, nền kinh tế còn rất thấp kém thì càng trân trọng lòng tự tôn dân tộc và niềm tin của nhà thơ Thanh Hải vào tương lai của đất nước.

Lẽ sống và ước nguyện của nhà thơ trước mùa xuân đất nước.

Ta làm con chim hót

Ta làm một cành hoa

Ta nhập vào hoà ca

Một nốt trầm xao xuyến

– Điều nhà thơ mong muốn: ước nguyện được hóa thân, cống hiến phần tốt đẹp – dù nhỏ bé của mình cho cuộc đời chung.

– Tác giả muốn hóa thân để trở thành những hình ảnh giản dị, giàu ý nghĩa:

  • Làm một con chim hót trong rộn rã tiếng chim ca
  • Một cành hoa để góp vào vườn hoa muôn hương sắc
  • Một nốt trầm lặng lẽ để nhập vào bản nhạc nhiều thanh âm

=> Những gì nhà thơ muốn hóa thân đều rất nhỏ bé, khiêm nhường, nhưng lại không thể thiếu để làm nên vẻ đẹp trọn vẹn của cuộc sống.

– Cấu trúc đầu cuối tương ứng: mở đầu, tiếng chim, bông hoa làm nên mùa xuân của thiên nhiên, đến gần cuối, nhà thơ muốn hóa thân thành tiếng chim, bông hoa để dâng hiến làm nên mùa xuân chung của đất nước.

=>Trong suy nghĩ của tác giả, niềm mong muốn được sống có ích, cống hiến cho đời là một lẽ tự nhiên như con chim mang đến tiếng hót, bông hoa tỏa hương sắc cho đời.

– Điệp từ “ta” như một lời khẳng định, khái quát rộng hơn thành triết lý sống. (giải thích sự thay đổi từ “tôi” => ta)

“tôi” mở đầu bài thơ: thể hiện tình yêu thiên nhiên của riêng nhà thơ Thanh Hải.

“ta” mang nghĩa khái quát hơn, trong cái “ta” vừa có cái “tôi” cá nhân nhỏ bé, vừa có cái “ta” chung của cộng đồng, nhân dân, đất nước.

=> Sự chuyển hóa này nhằm nhấn mạnh ước nguyện muốn sống có ích, sống cống hiến cho đời không chỉ của riêng Thanh Hải, mà của chung của rất nhiều con người.

Ước nguyện cống hiến của nhà thơ Thanh Hải

Một mùa xuân nho nhỏ

Lặng lẽ dâng cho đời

Dù là tuổi hai mươi

Dù là khi tóc bạc.

– Mùa xuân nho nhỏ: hình ảnh ẩn dụ cho những gì tinh túy, đẹp đẽ nhất của sự sống, và cuộc đời mỗi con người.

=> Mỗi con người, mỗi sự cống hiến đó được ví như một mùa xuân nhỏ hoà vào mùa xuân chung của đất trời, của Tổ quốc. Dẫu là nhỏ bé nhưng, nhiều hạt cát nhỏ mới tạo nên sa mạc mênh mông; muôn vàn giọt nước mới tạo nên đại dương bao la.

– “Lặng lẽ” : là cách sống cống hiến mà Thanh Hải lựa chọn. Không ồn ào, không phô trương, tất cả những gì tinh túy, đẹp đẽ nhất đều được nhà thơ dâng trọn cho đời một cách khiêm nhường, giản dị.

=> Lối sống đẹp. đẹp từ chính tâm hồn, xuất phát từ tâm, không phải vì muốn được người đời để ý, ngợi ca.

– Điệp từ “Dù là” + hai hình ảnh hoán dụ mang tính đối lập ” tuổi hai mươi” – tuổi trẻ sức trẻ, “tóc bạc” – tuổi cao sức yếu.

=> Giống như một lời thề trước sau như một, dù già hay trẻ, dù sức lực phơi phới hay sức lực đã yếu dần, thì tâm niệm sống có ích, sống cống hiến cho đời không bao giờ thay đổi.

=> Đặt trong hoàn cảnh ra đời của bài thơ, khi ông đang phải chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo ta mới thấy hết được tinh thần và khao khát rất đỗi nhân văn của một con người có trái tim nhân hậu như Thanh Hải. Đến phút giây cuối cùng, ông vấn cố gắng lặng lẽ dâng tặng cho đời những vần thơ tài hoa, tinh túy.

Lời ca ngợi quê hương, đất nước qua điệu dân ca xứ Huế.

Mùa xuân ta xin hát

Câu Nam ai, Nam bình

Nước non ngàn dặm mình

Nước non ngàn dặm tình

Nhịp phách tiền đất Huế…

Sau khi dựng lên bức tranh mùa xuân của thiên nhiên, mùa xuân của đất nước, nhà thơ Thanh Hải đã cất lời ngợi ca quê hương mình qua điệu dân ca xứ Huế:

Mùa xuân ta xin hát

Câu Nam ai, Nam bình

– “Nam ai”, “Nam bình” là hai điệu dân ca ngọt ngào của xứ Huế, kết hợp cùng nhạc cụ “phách tiền” từ lâu đã trở thành nét đẹp trong âm nhạc, văn hóa của người dân nơi đây.

=> tác giả đã thể hiện niềm yêu mến và tự hào của mình với nét văn hoá phi vật thể của quê hương xứ Huế.

=> người đọc như hoà vào không gian của những làn điệu ca Huế, nghe vang vọng đâu đây từng nhịp phách, tiếng ca của những ca công trên con thuyền xuôi dòng sông Hương.

=> Dường như, những đặc trưng của Huế với thiên nhiên, con người, văn hoá đã ngấm vào máu thịt của tác giả để truyền tải trong lời thơ giản dị.

Nước non ngàn dặm mình

Nước non ngàn dặm tình

Nhịp phách tiền đất Huế…

– Điệp ngữ “Nước non ngàn dặm” gợi hình dung về vẻ đẹp trải dài bất tận của non sông gấm vóc Việt Nam.

– “ngàn dặm mình” và “ngàn dặm tình” cho thấy sự đối xứng, gắn kết khăng khít giữa những chặng đường mà nhà thơ đi với những tình cảm mà tác giả trao gửi cho vẻ đẹp của mọi miền quê hương, đất nước.

=> Tình yêu quê hương, xứ sở đã gắn liền với tính yêu đất nước.

=> yêu đất nước mình, nhà thơ muốn gửi gắm qua từng lời thơ, tiếng hát, để ngàn dặm đất nước là ngàn dặm tình cảm chan chứa của Thanh Hải.

– Câu thơ cuối vang vọng âm thanh của phách tiến, thanh âm riêng của đất Huế, mảnh đất nghĩa tình với nhà thơ.

=> Phải chăng, trong những tháng ngày cuối cuộc đời mình, ông muốn khắc ghi vào lòng thật sâu, thật rõ từng bóng hình, âm thanh của quê hương, đất nước, nơi mà ông đã dành cả thanh xuân, cả mấy mươi năm cuộc đời để yêu thương, gìn giữ và cống hiến.

Nguồn: https://congdecor.vn/ban-can-biet/soan-bai-mua-xuan-nho-nho-ngu-van-lop-9.html

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *