Contents
Đoạn văn thuyết minh về một danh lam thắng cảnh ngắn nhất
Đoạn văn thuyết minh là một đoạn văn phổ biến được yêu cầu tạo lập trong chương trình ngữ văn trung học cơ sở. Nếu như bạn chưa biết cách tư duy và kỹ năng tạo lập đoạn văn thuyết minh, hãy tham khảo ngay bài viết dưới đây của Công Decor để hiểu cách làm đoạn văn thuyết minh về một danh lam thắng cảnh ngắn nhất. Mời bạn đọc cùng theo dõi!
Dàn ý thuyết minh về danh lam thắng cảnh hay nhất
Mở bài:
- Dẫn dắt để giới thiệu về danh lam thắng cảnh mà bạn muốn thuyết minh
- Nêu đánh giá chung và danh lam thắng cảnh đó
Thân bài
- Giới thiệu khái quát
- Vị trí địa lý
- Khung cảnh khái quát: có thể miêu tả theo trình tự không gian, từ xa đến gần
- Lịch sử hình thành
- Mốc thời gian xây dựng
- Gắn liền với sự kiện lịch sử nào của dân tộc
- Ý nghĩa của tên gọi này mang dấu ấn gì?
- Giới thiệu kiến trúc và phong cảnh
- Cấu trúc toàn bộ của danh lam thắng cảnh
- Đi vào chi tiết miêu tả những điều làm nên vẻ đẹp nổi bật của danh lam thắng cảnh này
- Ý nghĩa lịch sử, văn hóa của danh lam thắng cảnh
- Đối với địa phương, vùng miền
- Đối với quốc gia
Kết bài
- Nhấn mạnh lại đặc điểm nổi bật nhất của danh lam thắng cảnh mà bạn muốn giới thiệu đến người đọc
- Nêu cảm nhận cá nhân của bản thân về danh lam thắng cảnh này
Lưu ý: Mặc dù là thể loại văn bản thuyết minh – nghiêng về kỹ năng giới thiệu, quảng bá, nhưng để bài viết được nhấn mạnh và tăng giá trị biểu đạt, bạn cần kết hợp vào bài viết nhuần nhuyễn ngòi bút tự sự (khi kể về sự kiện lịch sử gắn với danh lam thắng cảnh) và miêu tả (khi giới thiệu kiến trúc và phong cảnh nơi đây)
Bài văn mẫu thuyết minh về một danh lam thắng cảnh
Bài văn mẫu thuyết minh 1: Thuyết minh về Vịnh Hạ Long
Nhắc đến danh lam thắng cảnh, sơn thủy hữu tình ở Việt Nam khó có thể không nói đến Vịnh Hạ Long. Tất cả người Việt Nam đều biết cái tên này. Cái tên này không chỉ đẹp ở hiện tại và tương lai mà còn đẹp cả ở quá khứ trong câu thơ của Nguyễn Khoa Điềm: “Con gà, con cóc quê hương cũng biến Hạ Long thành thắng cảnh”. Mới đây, UNESCO đã công nhận Vịnh Hạ Long là một trong bảy kỳ quan đẹp nhất của thế giới. Hạ Long có điều gì đó đặc biệt để được tôn vinh như vậy?
Ở Vịnh Hạ Long còn có truyền thuyết Ngọc Hoàng sai Rồng Mẹ mang theo một đàn rồng con xuống giúp người dân Việt Nam đánh giặc. Tàu của kẻ thù từ biển lao vào bờ đúng lúc ngay những con rồng xuống trái đất. Đàn rồng lập tức phóng lửa đốt cháy chiến thuyền giặc, một phần nhả Châu Ngọc xây bức tường đá sừng sững khiến chiến thuyền giặc đâm vào và vỡ tan, cùng cản đường tiến của quân giặc.
Sau khi chiến tranh kết thúc, nhìn thấy đất đai thanh bình, cây cỏ xanh tươi, con người nơi đây cần cù, chịu khó, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau, Rồng Mẹ và Rồng Con đã không về trời mà ở lại nơi trần thế để mãi mãi bảo vệ dân tộc Đại Việt. Nơi đáp xuống của Mẹ Rồng là Hạ Long; Nơi hạ cánh của rồng con là Bái Tử Long, đuôi rồng bơi trong làn nước trắng xóa Bạch Long Vĩ (bán đảo Trà Cổ hiện nay với hơn 15 km bãi cát).
Một truyền thuyết khác kể rằng trong khi đất đai bị ngoại bang chiếm đóng, một con rồng đã bay đọc theo dòng sông ra biển và đáp xuống bờ biển phía đông bắc để tạo thành một bức tường ngăn chặn bước tiến của hạm đội của kẻ thù. Nơi rồng đáp xuống được gọi là Hạ Long.
Thứ nhất, về vị trí của Vịnh Hạ Long, nó nằm ở phía Đông Bắc Việt Nam, Vịnh Hạ Long là một phần của Vịnh Bắc Bộ, bao gồm vùng biển của thành phố Hạ Long, thành phố Cẩm Phả và một phần của khu vực đảo Vân Đồn. Hạ Long giáp phía tây nam với đảo Cát Bà, phía đông giáp biển và phần còn lại của đất liền bởi bờ biển dài 120 km giới hạn từ 106o58′ – 107o22′ kinh độ Ðông và 20o45′ – 20o50′ vĩ độ Bắc với tổng diện tích 1553 km2.
Ở đây còn có đến 1969 đảo lớn nhỏ khác nhau, trong đó có 989 đảo có tên và 980 đảo không tên. Đảo ở đây gồm hai loại là đảo đá vôi và đảo đá phiến sét, tập trung nhiều ở vịnh Bái Tử Long và Hạ Long. Ở đây cũng có nhiều hang động đẹp và nổi tiếng được công nhận là Khu di sản thiên nhiên thế giới với diện tích 434 km2 bao gồm 775 đảo giống hình tam giác với ba đỉnh là đảo Đầu Gỗ (phía Tây), hồ Ba Hầm (phía Nam), đảo Cống Tây (phía Đông). Cạnh khu vực này là vùng đệm và đó cũng là danh lam thắng cảnh cấp quốc gia đã được Bộ Văn hóa Thông tin đánh giá vào năm 1962.
Đến Hạ Long bạn không thể rời mắt khỏi cảnh sắc nơi đây. Nào là núi, nào là những hang động đẹp mê ly, mới thực sự thu hút người ta muốn đi đến tận cùng để tìm ra cái tận cùng trong sự vô tận của núi trời này. Chúng ta tưởng ngọn núi ở đây giống như những người khổng lồ vậy, ngồi trên thuyền mà ngước lên đo độ cao của những ngọn núi này quả là mỏi mắt. Đến bây giờ chúng ta mới biết thế nào là vẻ đẹp hùng vĩ, thế nào là tình cảm thủy chung son sắt gắn bó giữa nước và non. Một hang động với những nhũ đá trông như đang rơi xuống, nhưng không phải vậy. Nó giống như hàng ngàn giọt ngọc lỏng lấp lánh dính vào nhau.
Người dân ở đây cũng rất đáng quý. Họ không chỉ hiếu khách mà còn giống như một người hướng dẫn du lịch tận tình giới thiệu địa điểm cho các du khách. Nơi đây tình người nồng hậu, để lại những ấn tượng khó quên trong lòng những du khách đến rồi đi.
Bài văn mẫu thuyết minh 2: Thuyết minh về Động Phong Nha
Những năm gần đây, ngành du lịch của đất nước ta đang rất phát triển. Trên khắp đất nước có rất nhiều những danh lam thắng cảnh nổi tiếng như vịnh Hạ Long, phố cổ Hội An, Mỹ Sơn… Trong số đó, động Phong Nha cũng là một địa điểm thu hút rất nhiều khách du lịch trong và ngoài nước. Động Phong Nha đã được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới.
Động Phong Nha nằm trong quần thể hang động thuộc khối núi đá vôi Kẻ Bàng, thuộc địa phận xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch tỉnh Quảng Bình. Ta có thể đến Động Phong Nha thật dễ dàng bằng hai con đường: nếu bạn thích đi đường thuỷ thì ngược dòng sông Gianh đến đoạn sông Gianh gặp sông Son rồi cứ theo sông Son mà vào động. Nếu đu đường bộ thì lộ trình sẽ theo tỉnh lộ số 2 đến bến sông Son (đoạn đường này ước chừng 20 cây số). Nhưng dù đi bằng cách nào thì bạn đều phải đi xuồng máy hoặc chèo đò từ bến sông Son vào cửa hang Phong Nha. Nếu đi bằng xuồng máy từ bến sông Son vào đến cửa hàng Phong Nha thì mất khoảng nửa giờ. Ngồi trên xuồng ngắm nhìn dòng sông xanh thẳm và rất trong, nhìn những khối núi đá vôi trùng điệp, những xóm làng, nương ngô rải rác hai bên bờ thì thật là thú vị.
Phong Nha gồm hai bộ phận là động khô và động nước. Động khô ở độ cao khoảng 200m, giờ chỉ còn những vòm đá trắng vân nhũ cùng vô số những cột đá óng ánh màu xanh ngọc. Nhưng theo các nhà địa lý học thì xưa kia, ở động khô này vốn là một dòng sông ngầm, nay đã cạn hết nước. Động nước thì bây giờ vẫn còn có một con sông dài chảy suốt ngày đêm. Con sông này nước rất trong và cũng khá sâu.
Động nước là nơi hấp dẫn và được khách du lịch lui tới nhiều hơn cả. Vì hiện nay động nước vẫn có một con sông dài nên muốn vào được thì cần phải có thuyền. Nhưng điều quan trọng là phải mang theo đèn, đuốc để thắp sáng vì càng vào sâu trong hang thì càng ít ánh sáng. Tuy một số nơi ở trong hang đã được mắc điện nhưng muốn đi suốt 1500 mét hang thì vẫn phải cần có dụng cụ để thắp sáng.
Động chính Phong Nha có tới mười bốn buồng nối với nhau bằng một hành lang chính dài hơn một nghìn mét. ở các buồng ngoài trần thấp, chỉ cách mặt nước chừng 10m. Từ buồng thứ tư trở đi thì vòm hang đã cao tới 25 – 40m. Đến hang cuối cùng, hang thứ mười bốn thì bạn có thể thoả sức mà thám hiểm các hàng to ở phía trong sâu theo cách hành lang hẹp. Nhưng những hang to này mới chỉ có một vài đoàn thám hiểu với đầy đủ trang thiết bị từ máy móc, đèn, quần áo đến thuốc men, đặt chân tới. Liệu bạn có đủ tự tin để trở thành một nhà thám hiểm tài ba không? Tuy nhiên hang động Phong Nha vẫn còn cất giữ biết bao điều huyền diệu, thú vị đang chờ đợi chúng ta đến khám phá.
Đi thuyền thăm động Phong Nha, chúng ta sẽ bị bất ngờ và hấp dẫn trước vẻ đẹp kỳ ảo của nó. Dưới ánh sáng của đèn đuốc, các khối nhũ đá hiện lên với nhiều màu sắc, hình khối. Những khối nhũ đá này có đường nét hài hoà, màu sắc huyền ảo, sắc lóng lánh như kim cương. Nhất là dưới ánh đèn đuốc thì cảnh hiện lên lại càng lung linh, huyền ảo. Trên vách động thi thoảng còn thấy những nhánh phong lan rừng rủ xuống xanh mướt. Trong hang cũng có một số bãi cát nhỏ, tới đây du khách có thể ghé thuyền lại mà leo trèo, thăm thú, ghi hình, chụp ảnh làm kỷ niệm. Vào động Phong Nha ta cảm thấy một khung cảnh thật khác lạ: trước mắt là những khối nhũ đá lung linh huyền ảo, ta lại được nghe tiếng nước chảy, âm vang của tiếng nói, được cảm nhận không khí mát mẻ, trong lành thật là sảng khoái.
Quả thật xứng với danh hiệu “Kỳ quan đệ nhất động”, động Phong Nha là một hang động đẹp, kỳ vĩ. Theo báo cáo khoa học của đoàn thám hiểm hội địa lý Hoàng gia Anh, động Phong Nha có tới bảy cái nhất: hang động dài nhất, cửa hang cao và rộng nhất, bãi cát, bãi đá rộng và đẹp nhất, có những hồ ngầm đẹp nhất, hang khô rộng và đẹp nhất, thạch nhũ tráng lệ và kỳ ảo nhất, sông ngầm dài nhất. Để giữ gìn và bảo tồn vẻ đẹp của động Phong Nha, chúng ta phải có ý thức tham gia bảo vệ danh lam thắng cảnh này.
Bài văn mẫu thuyết minh 3: Thuyết minh về Văn Miếu Quốc Tử Giám
Văn Miếu Quốc Tử Giám tọa lạc giữa thủ đô Hà Nội, được xem là trường đại học đầu tiên tại Việt Nam. Từ những năm đầu tiên, ngôi trường này đã tụ họp rất nhiều người tài, đóng góp vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Hiện nay Văn Miếu vẫn là điểm đến của nhiều du khách khi ghé thăm Hà Nội bởi kiến trúc độc đáo, ấn tượng.
Văn Miếu Quốc Tử Giám đã trải qua bao nhiêu biến động, thăng trầm của lịch sử nhưng nó vẫn giữ được nét đẹp truyền thống của con người Hà Nội. Đó là giá trị tinh thần cao đẹp được gìn giữ từ bao nhiêu năm. Văn Miếu nằm ở phía Nam kinh thành Thăng Long thời Lí. Văn Miếu được được vào hoạt động trong khoảng thời gian từ 1076 cho đến 1820, đào tạo ra nhiều nhân tài cho đất nước.
Văn Miếu bao gồm hai di tích chính là Văn Miếu thờ Khổng Tử, các bậc hiền triết và Tư nghiệp Quốc Tử Giám Chu Văn An, người thầy đầu tiên của trường học. Trải qua bao nhiêu năm nhưng Văn Miếu vẫn giữ được những nét đẹp cổ xưa.
Ban đầu Văn Miếu là nơi học tập của các hoàng tử, sau này mới mở rộng ra cho những người tài trong cả nước. Văn Miếu có diện tích 54.331 m2 bao gồm Hồ Văn, vườn Giám và nội tự được bao quanh bằng tường gạch vồ. Với những kiến trúc được thiết kế từ thời xa xưa, in dấu biết bao nhiêu thăng trầm của thời gian, của những đổi thay đất nước.
Khi bước vào khu Văn Miếu, du khách sẽ đến với cổng chính, trên cổng chính là chữ Văn Miếu Môn. Phía ngoài cổng có đôi rồng đá thời Lê, bên trong là rồng đá thời Nguyễn. Khu thứ hai chính là Khuê Văn Các được xây dựng năm 1805 gồm 2 tầng, 8 mái rất rộng rãi. Đây là nơi tổ chức bình các bài thơ và văn hay của sĩ tử thời xưa. Khu thứ ba chính là từ gác Khuê Văn tới Đại Thành Môn, ở giữa có một hồ vuông gọi là Thiên Quang Tĩnh. Ở hai bên hồ là nơi lưu giữ 82 bia tiến sĩ có ghi tên, quê quán, chức danh của những người nổi tiếng như Ngô Thì Nhậm, Lê Quý Đôn…
Cuối sân là nhà Đại bái và hậu cung; có những hiện vật quý hiếm được lưu truyền từ bao đời nay như chuông Bích Ung do Nguyễn Nghiêm đúc vào năm 1768. Đây được xem là chiếc chuông lớn, có giá trị lịch sử và văn hóa lâu đời. Tấm khánh mặt trong có hai chữ Thọ Xương, mặt ngoài khắc bài mình biết theo kiểu chữ lệ nói về công dụng loại nhạc cụ này. Khu thứ 5 chính là Trường Quốc Tử Giám. Ở đây là nơi dạy học, tuyển chọn người tài, đỗ đạt cao giúp cho vua nâng cao trí thức. Có rất nhiều người từ ngôi trường này đã gây nên tiếng vang lớn cho đến ngày nay như Chu Văn An, Bùi Quốc Khải…
Văn Miếu Quốc Tử Giám được xây dựng chủ yếu bằng gỗ lim, gạch đất nung, ngói mũi hàng mang nét nghệ thuật của triều Lê và Nguyễn. Những nét kiến trúc độc đáo ấy được xây dựng khéo léo bởi những bàn tay tài hoa.
Cho đến ngày nay Văn Miếu Quốc Tử Giám vẫn là địa điểm du lịch của rất nhiều người, vừa nhớ về cội nguồn, vừa khấn bái, vừa tìm hiểu được lịch sử của cha ông ta. Nơi đây còn được xem là tâm điểm của Hà Nội, của thủ đô nghìn năm văn hiến.
Bài văn mẫu thuyết minh 4: Thuyết minh về Bến Nhà Rồng
“Thành phố Hồ Chí Minh quê ta đã viết nên thiên anh hùng ca, thiên anh hùng ca ngàn năm sáng chói lưu danh đến muôn đời…”. Lời ca ngân, lên trong mỗi người niềm tự hào được là công dân của thành phố anh hùng mang trong mình bao dấu ấn lịch sử thiêng liêng suốt hành trình đấu tranh oai hùng của dân tộc để: “Việt Nam ta lại gọi tên mình”. Từ thành phố này, tại Bến Nhà Rồng, Bác Hồ đã ra đi tìm đường cứu nước vì thế trong hơn sáu mươi tỉnh thành chỉ duy nhất nơi đây được vinh dự mang tên Bác kính yêu. Bến Nhà Rồng được xây dựng thành bảo tàng Hồ Chí Minh và là địa chỉ thân thương với nhân dân cả nước nói chung, nhân dân thành phố nói riêng.
Ngót một thế kỷ rưỡi (150 năm), trải qua bao biến cố thăng trầm, Bến Nhà Rồng vẫn sừng sững uy nghi tại số 1 đường Nguyễn Tất Thành, quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh (xưa là đường Trịnh Minh Thế). Ngay một cửa ngõ thương cảng sầm uất nhất nước – cảng Sài Gòn. Bến Nhà Rồng nằm ngay trung tâm, trước mặt là bến Bạch Đằng lộng gió. Khi thành phố lên đèn cả khu vực lung linh huyền ảo góp phần tô điểm thành phố thêm lộng lẫy, xứng danh là “hòn ngọc của Viễn Đông”.
Bến Nhà Rồng hiện nay là Bảo tàng Hồ Chí Minh – Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, là một chi nhánh nằm trong hệ thống các bảo tàng và di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cả nước. Nơi đây, trước ngày 30/4/1975 là trụ sở của Tổng Công ty Vận tải Hoàng đế (Messageries Impériales) – một trong những công trình đầu tiên do thực dân Pháp xây dựng sau khi chiếm được Sài Gòn. Tòa nhà được xây dựng từ giữa năm 1862 đến cuối năm 1863 hoàn thành với lối kiến trúc phương Tây nhưng trên nóc nhà gắn hai con rồng châu đầu vào mặt trăng theo mô típ “lưỡng long chầu nguyệt”, một kiểu trang trí quen thuộc của đền chùa Việt Nam. Với kiến trúc độc đáo đó nên Tổng Công ty Vận tải Hoàng Đế được gọi là Nhà Rồng và bến cảng mang tên Bến cảng Nhà Rồng. Năm 1955, sau khi thực dân Pháp thất bại, thương cảng Sài Gòn được chuyển giao cho chính quyền miền Nam Việt Nam quản lí, họ đã tu sửa lại mái ngói ngôi nhà và thay thế hai con rồng cũ bằng hai con rồng mới với tư thế quay đầu ra ngoài. Với diện tích gần 1500m² xây dựng làm tòa nhà, diện tích còn lại là hoa viên tràn ngập màu xanh lá với không khí thoáng mát, khung cảnh thơ mộng bao gồm trên 400 gốc cây quý từ khắp mọi miền của đất nước hội tụ về đây khoe sắc tỏa hương. Ta bồi hồi khi ngắm gốc cây Tân Trào của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, gốc cây bồ đề của Tổng thống Ấn Độ.
Thời gian trôi qua càng ngày Bến Nhà Rồng càng trở thành địa chỉ được lưu giữ những sự kiện trọng, đại gắn liền với vận mệnh dân tộc. Ngày 5/6/1911, người thanh niên Nguyễn Tất Thành với hai bàn tay trắng đã bước xuống con tàu Latouche Treville trong cuộc hành trình “30 năm ấy chân không nghỉ”: Người đi khắp hóng cờ châu Mĩ, châu Phi Những đất tự do những trời nô lệ.
Với lịch sử thiêng liêng của Bến Nhà Rồng, nơi đây đã lưu truyền biết bao tư liệu, hiện vật quý giá giúp mọi người hiểu rõ hơn về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của vị lãnh tụ thiên tài, người cha già kính yêu của dân tộc – Hồ Chí Minh. Qua nhiều lần chỉnh lí về cơ bản bảo tàng xây dựng thành 12 phòng trưng bày khoảng 170 tư liệu, hình ảnh, hiện vật. Nếu ai đã từng đến với bảo tàng đều lặng người xúc động khi được nhìn tận mắt chứng kiến những kỉ vật về Người.
Bảo tàng là một trong những địa chỉ để nhân dân đến nghiên cứu, giao lưu, tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Bác. Hằng năm, bảo tàng thu hút hàng triệu du khách trong nước và ngoài nước. Bến Nhà Rồng, bảo tàng Hồ Chí Minh đã vinh dự được chọn làm biểu tượng của thành phố nhân ngày kỉ niệm 300 năm Sài Gòn Thành phố Hồ Chí Minh. Ngày ngày lớp lớp các thế hệ con cháu vẫn đến cúi đầu trước tượng đài của Người thắp nén nhang để bày tỏ lòng thành kính và tri ân con người đẹp nhất mọi thời đại của dân tộc:
“Xin nguyện cùng
Người vươn tới mãi
Vững như muôn ngọn dải Trường Sơn.”
Nguồn: https://congdecor.vn/ban-can-biet/doan-van-thuyet-minh-ve-mot-danh-lam-thang-canh-ngan-nhat.html