Soạn bài Sang thu ngắn gọn Ngữ Văn lớp 9 Chân trời sáng tạo

Soạn bài Sang thu ngắn gọn Ngữ Văn lớp 9 Chân trời sáng tạo

Soạn bài Sang thu ngắn gọn Ngữ Văn lớp 9 Chân trời sáng tạo

“Sang thu” là một bài thơ ghi dấu những rung cảm khẽ khàng, tinh tế của nhà thơ Hữu Thỉnh trong thời khắc vạn vật giao mùa giữa hạ sang đầu thu. Trong bài viết này, Công Decor sẽ hướng dẫn bạn cách soạn bài “Sang thu” ngắn gọn trong chương trình ngữ văn lớp 9. Mời bạn đọc cùng theo dõi nhé!

Kiến thức cần nhớ

1. Tác giả:

– Nhà thơ Hữu Thỉnh
– Là nhà thơ xuất thân từ quân đội nhưng đề tài chủ yếu lại viết về thiên nhiên, đất nước.

2. Tác phẩm

  • Hoàn cảnh sáng tác:

+ Bài thơ được sáng tác năm 1977, 2 năm sau ngày đất nước được giải phóng (1975)

+ Rút từ tập “Từ chiến hào đến thành phố”

  • Thể thơ: Năm tiếng – ngũ ngôn
  • Phương thức biểu đạt: miêu tả và biểu cảm.
  • Nội dung – Mạch cảm xúc

Cảm nhận tinh tế của nhà thơ về sự thay đổi của quang cảnh thiên nhiên đất trời trong thời khắc giao mùa từ cuối hạ sang đầu thu.

Khổ 1: Những tín hiệu đầu tiên báo thu về

Khổ 2: Quang cảnh thiên nhiên đất trời khi sang thu

Khổ 3: Chiều sâu suy ngẫm, tính chất triết lý của nhà thơ về cuộc đời và con người

Soạn bài Sang thu ngắn gọn Ngữ Văn lớp 9 Chân trời sáng tạo
Soạn bài Sang thu ngắn gọn Ngữ Văn lớp 9 Chân trời sáng tạo

Phân tích các khổ thơ của bài sang thu lớp 9

KHỔ 1: Những tín hiệu đầu tiên báo thu về:

Qua khổ thơ đầu tác giả hữu thỉnh đã miêu tả những tín hiệu đầu tiên báo thu về:

Bỗng nhận ra hương ổi.

Phả vào trong gió se

Sương chùng chình qua ngõ

Hình như thu đã về

  • 3 tín hiệu báo thu về: hương ổi, gió se và làn sương

Thứ nhất + hai: hương ổi và gió se

  • Nghệ thuật:
  • Từ “bỗng” được đặt đầu câu: thể hiện sự ngỡ ngàng, bất ngờ, như sự xuất hiện đột ngột của một hương vị nào đó mà đã lâu nay nhà thơ chưa bắt gặp.
  • Ý nghĩa:
  • Hương ổi: hương vị đặc trưng của làng quê Việt Nam lúc sang thu.

=> Sự đột ngột bất ngờ này chứng tỏ rằng hương ổi chính là tín hiệu đầu tiên để tác giả cảm nhận được không gian đang chuyển mình từ hạ sang thu.

  • Nghệ thuật
  • “Phả” : động từ mạnh, diễn tả mùi hương ổi lan tỏa nồng nàn trong không gian nhờ vào gió se.
  • Gió se: là gió nhẹ, khô và hơi lạnh – gió của mùa thu, gió báo hiệu mùa thu đã đến. Gió se mang theo hương ổi của đồng quê.
  • Giác quan: cảm nhận bằng khứu giác và xúc giác (da)

=> Nhận ra trong gió có hương ổi là cảm nhận tinh tế của một người sống giữa đồng quê và nhà thơ đã đem đến cho ta một tín hiệu mùa thu dân dã mà nên thơ.

Thứ ba: hình ảnh làn sương

  • Nghệ thuật: nhân hóa “sương chùng chình”

=> diễn tả làn sương thu mỏng manh đang cố ý trôi chậm lại như chờ đợi một điều gì đó.

=> Nhà thơ đã gửi gắm tâm hồn vào câu thơ khiến cho màn sương thu chứa đầy tâm trạng, như người đi còn vương vấn, ngập ngừng khi qua ngõ.

Rút ra nhận xét:

  • Mùa thu đang đến gần qua sự vận động của cảnh vật: điểm nhìn của tác giả thay đổi từ gần (hương ổi, gió se) đến xa, cảm nhận bằng khứu giác, đến xúc giác và thị giác.
  • Tất cả những thay đổi từ hương vị, đến cảm giác đó để đưa đến một kết luận “Hình như thu đã về”. “hình như” là một sự phỏng đoán, thể hiện điều chưa chắc chắn, thu đang về nhưng vẫn còn mơ hồ tạo nên trong lòng nhà thơ cảm giác ngỡ ngàng phút giao mùa.

KHỔ 2: Quang cảnh thiên nhiên đất trời khi sang thu

Sông được lúc dềnh dàng

Chim bắt đầu vội vã

Có đám mây mùa hạ

Vắt nửa mình sang thu

Ý chính: Sự vận động của thiên nhiên trong thời khắc chuyển mùa được cụ thể hoá bằng những đổi thay của vạn vật.

– Dòng sông:

  • Từ láy“dềnh dàng” nói lên được dáng vẻ khoan thai, thong thả của con sông mùa thu, ngỡ như nó được nghỉ ngơi thoải mái khi mùa nước lũ cuồn cuộn đã đi qua.
  • Sông lúc sang thu không còn cuộn chảy dữ dội như những ngày hè mưa lũ, mà êm ả dềnh dàng nó nói như đang lắng lại, đang trầm xuống.

– Hình ảnh đàn chim bắt đầu vội vã chuẩn bị cho những chuyến bay dài vào phương nam tránh rét khi trời thu lành lạnh.

  • Từ “bắt đầu” trong ý thơ được dùng rất độc đáo “bắt đầu vội vã” chứ không phải là “đang vội vã”. Có lẽ vì mới đầu thu nên dù vội vã nhưng những cánh chim vẫn chỉ mới chuẩn bị giục giã nhau.
  • Phải tinh tế lắm, yêu và gần gũi với thiên nhiên lắm mới nhận ra được sự bắt đầu trong những cánh chim bay.

– Hình ảnh độc đáo nhất: đám mây mùa hạ – vắt nửa mình sang thu.

  • Nghệ thuật nhân hóa được vận dụng tài tình để sáng tạo ra một hình ảnh thơ có một không hai: hai nửa của một đám mây thuộc về hai mùa, một nửa mùa hạ, một nửa mùa thu.
  • Gợi hình ảnh một làn mây mỏng, nhẹ, kéo dài của mùa hạ còn sót lại như lưu luyến.

=> Không phải vẻ đẹp của mùa hạ cũng chưa hẳn là vẻ đẹp của mùa thu mà đó là vẻ đẹp của thời khắc giao mùa được sáng tạo từ một hồn thơ tinh tế, nhạy cảm đang say thời khắc giao mùa này.

Khổ 3: Chiều sâu suy ngẫm, tính chất triết lý của nhà thơ về cuộc đời và con người

Vẫn còn bao nhiêu nắng

Đã vơi dần cơn mưa

Sấm cũng bớt bất ngờ

Trên hàng cây đứng tuổi

Ý 1: Thiên nhiên sang thu được gợi ra bởi hình ảnh cụ thể: nắng và mưa

– Nắng – hình ảnh cụ thể của mùa hạ. Nắng cuối hạ vẫn còn nồng, còn sáng nhưng đã nhạt dần, yếu dần bởi gió se đã đến chứ không chói chang, dữ dội, gay gắt.

– Mưa cũng đã ít đi. Cơn mưa mùa hạ thường bất ngờ chợt đến rồi lại chợt đi. Từ “vơi” có giá trị gợi tả, diễn tả cái thưa dần, ít dần, hết dần những cơn mưa rào ào ạt, bất ngờ của mùa hạ.

=> Vẫn là nắng, là mưa nhưng tới mùa thu thì mức độ đã giảm dần, dịu dần.

Ý 2: từ thiên nhiên đất trời sang thu, nhà thơ mở rộng chiều sâu liên tưởng, mang vào thơ tính triết lý.

Hình ảnh ẩn dụ : “Sấm cũng bớt bất ngờ. Trên hàng cây đứng tuổi”

+ Ý nghĩa tả thực: hình tượng sấm thường xuất hiện bất ngờ đi liền với những cơn mưa rào chỉ có ở mùa hạ (sấm cuối mùa, sâm cuối hạ cũng bớt đi, ít đi lúc sang thu).

+ Ý nghĩa ẩn dụ :

Sấm : những vang động bất thường của ngoại cảnh, của cuộc đời.

“Hàng cây đứng tuổi” gợi tả những con người từng trải đã từng vượt qua những khó khăn, những thăng trầm của cuộc đời.

=> Qua đó, con người càng trở nên vững vàng hơn.

Hình ảnh này cho ta liên tưởng đến con người và dân tộc Việt Nam.

  • Con người VN đã trưởng thành như bản thân tác giả, những người đã trải qua nhiều sóng gió, thử thách của cuộc đời nên giờ đây trong hoàn cảnh mới phải đối diện với những khó khăn, thử thách mới thì cũng không bất ngờ, mà luôn sẵn sàng vượt qua.
  • Dân tộc VN đã phải trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ để gìn giữ nền độc lập của nước nhà nên giờ đây trong điều kiện hoàn cảnh mới, tác giả tin rằng dân tộc ta sẽ bản lĩnh, tự tin vượt qua để đưa đất nước tiến lên.

Lưu ý:

  • Khi học phân tích tác phẩm, bạn hãy cố gắng học theo sơ đồ tư duy ý chính để có thể nắm bắt được hệ thống luận điểm rõ ràng, không bị mất những luận điểm chính.
  • Khi phân tích thơ, chúng ta bắt đầu phân tích từ nghệ thuật, từ đó dẫn dắt suy ra nội dung và cảm xúc.
  • Nghệ thuật là một phần rất quan trọng khi học phân tích thơ, vì vậy hãy nắm chắc những biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong bài thơ để bám sát phân tích tác phẩm.

Trên đây là bài viết của Công Decor hướng dẫn chi tiết bạn soạn bài thơ “Sang thu” một cách ngắn gọn, đầy đủ nhất. Hy vọng bài viết mang đến cho bạn những thông tin hữu ích!

Cảm ơn bạn đọc!

Nguồn: https://congdecor.vn/ban-can-biet/soan-bai-sang-thu.html

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *