Contents
Tư tưởng Hồ Chí Minh là gì? Nội dung cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh
Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Người cũng là nhà sáng lập, lãnh đạo và khai sáng cho Đảng Cộng Sản Việt Nam của chúng ta. Chính vì vậy tư tưởng Hồ Chí Minh là ánh sáng soi đường, chỉ lối cho bao thế hệ Việt Nam noi theo học tập. Vậy tư tưởng Hồ Chí Minh là gì? Những nội dung cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh như thế nào? Cùng Công Decor tìm hiểu và trả lời câu hỏi này qua bài viết dưới đây nhé!
Tư tưởng Hồ Chí Minh là gì?
Tư tưởng Hồ Chí Minh được hiểu là một hệ thống những quan điểm đúng đắn, tư tưởng khai sáng của Hồ Chí Minh trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam, được Đảng Cộng Sản Việt Nam tiếp thu, truyền bá, học hỏi và hệ thống hóa.
Hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh bao gồm những quan điểm về những vấn đề cơ bản có trong Cách Mạng Việt Nam, từ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân đến cách mạng xã hội chủ nghĩa; được vận dụng và phát triển theo nền tảng chủ nghĩa Mác Lênin trong những hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho dân tộc ta một di sản quan trọng và vô cùng giá trị, đó chính là tư tưởng của Người, trong đó có tư tưởng về đạo đức. Cách Người sống, Người hành động cũng chính là một tấm gương sáng để bao thế hệ con dân Việt Nam có thể tự hào và dõi theo bước chân của vị Cha già vĩ đại của dân tộc. Ngoài ra, Người còn để lại nhiều tác phẩm, bài nói, bài viết về tư tưởng đạo đức thấm nhuần. Ngay trong tác phẩm đầu tay, Người viết để soi sáng cho những người yêu nước trẻ tuổi Việt Nam, cuốn Đường Cách Mạng, đã làm rõ tư tưởng cốt lõi của Người. Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, làm công tác tư tưởng từ trong gốc rễ, đó chính là những bài học mà chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại trong con đường làm Cách mạng từ tâm của mình.
Những nội dung cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh luôn lấy gốc đi từ truyền thống đạo đức của dân tộc, được vận dụng và phát triển linh hoạt tư tưởng đạo đức cách mạng của chủ nghĩa Mác – Lênin. Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống các quan điểm cơ bản và toàn diện về đạo đức, bao gồm: vị trí, vai trò, nội dung của đạo đức; những phẩm chất đạo đức cơ bản và nguyên tắc xây dựng nền tảng đạo đức mới; yêu cầu rèn luyện đạo đức với mỗi người làm cách mạng.
Dưới đây Công Decor sẽ khái quát 2 nội dung chính yếu, cốt lõi nhất trong tư tưởng Hồ Chí Minh như sau:
Tư tưởng Hồ Chí Minh về con đường cách mạng Việt Nam
Tư tưởng về giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Hồ Chí Minh, Người luôn đặt mục tiêu giành độc lập, tự do cho đất nước, đem lại hạnh phúc, ấm no cho nhân dân, làm cho nhân dân “ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Bác cũng đề ra mục tiêu cần thực hiện đó là:
- Giải phóng dân tộc
- Giải phóng giai cấp
- Giải phóng con người
Chính vì mục tiêu rõ ràng và cao cả này, mà Người đã quyết chí, bằng hai bàn tay trắng ra đường tìm đường cứu nước, tạo nên bước chuyển mạnh mẽ và triệt để nhất cho sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam khỏi ách đô hộ, lầm than.
Tư tưởng về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại
Người chỉ ra rằng: “Muốn cứu nước, giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”. Người đã nhìn nhận và tháo gỡ đúng đắn vấn đề dân tộc và giai cấp, quốc gia và quốc tế, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại. Những tư tường nào xuất phát từ thực tiễn rằng: phải chống chủ nghĩa thực dân, gắn cách mạng thuộc địa với cách mạng ở chính quốc. Con đường để bảo vệ và giữ gìn độc lập, tự do, hạnh phúc cho dân tộc là con đường đi lên xã hội chủ nghĩa, phải tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa trên mọi lĩnh vực. Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội chính là tư tưởng chủ đạo trong toàn bộ di sản lý luận Hồ Chí Minh.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội
Nội dung cơ bản của chủ nghĩa xã hội bao gồm:
- Chủ nghĩa xã hội là một chế độ nhân dân làm chủ. Nhà nước phải phát huy quvền làm chủ của nhân dân để huy động được tính tích cực và sáng tạo của nhân dân vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.
- Chủ nghĩa xã hội có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu, nhằm không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, trước hết là nhân dân lao động.
- Chủ nghĩa xã hội là một xã hội phát triển cao về văn hoá, đạo đức, trong đó người với người là bạn bè, là đồng chí, là anh em; con người được giải phóng khỏi áp bức, bóc lột, có cuộc sống vật chất và tinh thần phong phú, được tạo điều kiện để phát triển hết mọi khả năng sẵn có của mình.
- Chủ nghĩa xã hội là một xã hội công bằng và hợp lý: làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít, không làm thì không được hưởng; các dân tộc đều bình đẳng, miền núi được giúp đỡ để tiến kịp miền xuôi.
- Chủ nghĩa xã hội là công trình tập thể của nhân dân, do nhân dân xây dựng dưới sự lãnh đạo của Đảng
- Về mục tiêu và động lực xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Về mục tiêu: Hồ Chí Minh khẳng định, xây dựng chủ nghĩa xã hội bao gồm cả chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội và xây dựng con người.
- Về động lực: Người chỉ rõ, quyết định nhất là con người, là nhân dân lao động, nòng cốt là công – nông – trí thức. Trong thực hiện, phải kết hợp giữa cá nhân (sức mạnh cá thể) với xã hội (sức mạnh cộng đồng); coi trọng động lực kinh tế, phát triển kinh tế, sản xuất, kinh doanh, giải phóng mọi năng lực sản xuất. Phải quan tâm tới văn hóa, khoa học, giáo dục, coi đó là động lực tinh thần không thể thiếu của chủ nghĩa xã hội. Cần kết hợp nguồn lực bên trong với nguồn lực bên ngoài, sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; nội lực là quyết định nhất, ngoại lực là rất quan trọng.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
Người đã nhấn mạnh rằng: cần căn cứ vào đặc điểm lịch sử cụ thể của mỗi nước để xác định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Người viết: “tùy hoàn cảnh, mà các dân tộc phát triển theo con đường khác nhau. Có nước thì đi thẳng đến chủ nghĩa xã hội (cộng sản), … Có nước thì phải kinh qua chế độ dân chủ mới, rồi tiến lên chủ nghĩa xã hội (cộng sản)…”. Người đã chỉ ra đặc điểm của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, trong đó bao trùm lớn nhất là đặc điểm từ một nước nông nghiệp lạc hậu tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội, không cần trải qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển kinh tế trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Phát triển kinh tế là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong thời kỳ quá độ len xã hội chủ nghĩa bởi:
- Nước ta là một nước đi lên xã hội chủ nghĩa từ một nước thuộc địa nửa phong kiến, sức sản xuất chưa phát triển, đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân còn hạn chế.
- Phải xây dựng cơ cấu kinh tế công nghiệp và nông nghiệp hợp lý, bởi:
Người khẳng định: “Nền kinh tế xã hội chủ nghĩa có hai chân là công nghiệp và nông nghiệp… hai chân không đều nhau, không thể bước mạnh được”. - Tất yếu khách quan phải tiến hành công nghiệp hóa.
- Các hình thức sở hữu, thành phần kinh tế và định hướng lên chủ nghĩa xã hội trong thời kỳ quá độ ở Việt Nam: Trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam còn nhiều hình thức sở hữu và nhiều thành phần kinh tế.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về nhân dân và đại đoàn kết dân tộc:
Đối với Hồ Chí Minh, nhân dân là phạm trù cao quý nhất, một phạm trù chính trị chủ đạo trong học thuyết cách mạng của Người. “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”. Đó là một minh chứng điển hình về niềm tin vào sức mạnh của nhân dân.
Từ thực tiễn cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh đã khái quát luận điểm có tính chân lý về vai trò của khối đại đoàn kết, đó là: Đoàn kết làm ra sức mạnh; “Đoàn kết là sức mạnh, đoàn kết là thắng lợi”; “Đoàn kết là sức mạnh, là then chốt của thành công”. Hồ Chí Minh đã nhiều lần nói: “Đoàn kết của ta không những rộng rãi mà còn đoàn kết lâu dài… Ai có tài, có đức, có sức, có lòng phụng sự Tổ quốc và phục vụ nhân dân thì ta đoàn kết với họ”.
Nguồn : https://congdecor.vn/ban-can-biet/tu-tuong-ho-chi-minh-la-gi.html