Phân tích nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân “Vợ chồng A Phủ” (bài làm học sinh giỏi)

Phân tích nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân “Vợ chồng A Phủ” của học sinh giỏi văn

Phân tích nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân “Vợ chồng A Phủ” của học sinh giỏi văn

Văn chương là một dòng chảy mà trong mỗi giai đoạn, mỗi nhà văn luôn chuyển mình để kiến tạo những dấu ấn riêng, đem lại những giá trị mới cho con người và cuộc đời. Nhà văn Tô Hoài từ một cây bút nổi danh với ‘Dế mèn phiêu lưu ký”, sau năm 1945, đã sống sâu và khai thác mạnh hơn đề tài về sức mạnh nội lực trong con người. “Vợ chồng A Phủ” ‎ là một tác phẩm ghi đậm dấu ấn chuyển mình này của Tô Hoài. Trong bài viết này, cùng Công Decor tham khảo bài văn phân tích nhân vật Mi trong đêm tình mùa xuân để thấy rõ được sức mạnh nội lực luôn bền bỉ cháy trong mỗi con người. Mời bạn đọc theo dõi.

Đề bài phân tích nhân vật Mị thi trung học phổ thông quốc gia

Đề tham khảo:

Trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ, Tô Hoài đã miêu tả Mị trong những ngày tháng về làm dâu nhà thống lý Pá Tra “Mỗi ngày Mị càng không nói, lũi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa. Ở cái buồng Mị nằm kín mít, có một chiếc lỗ vuông cửa sổ bằng bàn tay. Lúc nào trông ra cũng chỉ thấy trăng trắng, không biết là sương hay là nắng. Mị nghĩ rằng mình chỉ ngồi trong cái lỗ vuông ấy mà trông ra, đến bao giờ chết thì thôi”.
Khi đêm mùa xuân tới “Mị ngồi xuống giường, trông ra cái cửa sổ lỗ vuông mờ mờ trăng trắng. Đã từ lâu, Mị thấy phơi phới trở lại, trong lòng đột nhiên vui sướng như những đêm tết ngày trước. Mị trẻ lắm, Mị hãy còn trẻ. Mị muốn đi chơi. Bao nhiêu người có chồng cũng đi chơi ngày tết. Huống chi Mị và A Sử không có lòng với nhau mà vẫn phải ở với nhau. Nếu có nắm lá ngón trong tay lúc này, Mị sẽ ăn cho chết ngay chứ không buồn nhớ lại nữa. Nhớ lại, chỉ thấy nước mắt ứa ra. Mà tiếng sáo gọi bạn yêu vẫn lửng lơ bay ngoài đường…”

Anh/ chị hãy phân tích hình ảnh Mị trong hai lần miêu tả trên, từ đó nhận xét nghệ thuật khắc họa tâm lý nhân vật của nhà văn Tô Hoài?

Phân tích nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân “Vợ chồng A Phủ” (bài làm học sinh giỏi)
Phân tích nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân “Vợ chồng A Phủ” (bài làm học sinh giỏi)

Bài văn mẫu tham khảo phân tích nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân

Mở bài:

Bàn về nghệ thuật viết truyện ngắn, Nguyễn Công Hoan cho rằng “ truyện ngắn chạy bằng chi tiết”, còn Tô Hoài thì khẳng định : “ Nhân vật là vấn đề cốt tủy”- từ nhân vật mà hình thành nên cốt truyện và cấu trúc tác phẩm cùng với mọi vấn đề của truyện. Phải chăng vì thế mà VCAP là câu chuyện về cuộc đời, số phận của người nghèo khổ vùng núi cao trong quá trình đi từ” thung lũng đau thương đến cánh đồng vui”. Đó là quá trình tự giải phóng cuộc đời mình- quá trình ấy gắn liền với sức sống tiềm tàng, tập trung ngay trong nhân vật Mị. Nhà văn dụng công xây dựng Mị với thế giới nội tâm đầy những biến chuyển, thay đổi để cho người đọc cùng suy nghĩ và cảm nhận chiều sâu nhân vật trong cả tư tưởng và cảm xúc. Điều này thể hiện khá rõ ở hai đoạn trích miêu tả Mị trong những ngày tháng cam chịu về làm dâu Thống lí và Mị trong đêm tình mùa xuân với bao nhiêu là sức sống và sự phản kháng mãnh liệt trào dâng.

Thân bài

Mở đầu truyện, người đọc chúng ta ám ảnh về một cô gái suốt ngày cúi mặt, mặt buồn rười rượi ngồi quay sợi bên tảng đá cạnh tàu máng ngựa; ám ảnh về một căn buồng kín mít với thứ ánh sáng “ mờ mờ không biết là sương hay là nắng” soi rọi cuộc đời một cô dâu gạt nợ; ám ảnh về sự câm lặng, lùi lũi sống trong cái khổ của người con gái tên Mị. Đó là những gì được tái hiện trong đoạn văn Tô Hoài miêu tả Mị trong những ngày tháng về làm dâu nhà Thống lí. Qua đây, ta thấy hiện lên một cô Mị đầy cam chịu tủi cực với những giày vò về tinh thần đến mức tê liệt bản năng sống.Thời gian “ mỗi ngày” trôi qua, nó như thước phim chậm, rất chậm, mô tả một vòng luẩn quẩn của chuỗi những công việc, chuỗi những đau khổ cả về thể xác lẫn tinh thần chồng chất, giày xéo lên nhau làm Mị “ ngày càng ít nói”, làm cô hóa “ lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa”. Câm lặng trước mọi diễn biến của cuộc sống, cúi đầu lặng lẽ phớt lờ trước mọi nỗi đau và sự chà đạp để tiếp tục sống, để tiếp tục duy trì cái nhịp thở đều đều, tẻ nhạt, sống đó mà chỉ như sự tồn tại qua ngày, không khát khao, không lý tưởng. Ngòi bút Tô Hoài cứ tự nhiên, không nhiều góc cạnh nhưng sao làm lòng người khắc khoải và bị xoáy sâu vào những trăn trở. Hình ảnh “ con rùa nuôi trong xó cửa” kia cứ luẩn quẩn trong tâm thức để ta phải nghĩ nhiều, nghĩ lại về nó. Ai có thể đoán trước được một cô Mị tài sắc, với tiếng thổi khèn làm say đắm bao tấc lòng, nay lại lùi lũi, câm lặng như tảng đá lạnh ngắt, vô hồn. Nơi “ xó nhà” ấy bao trùm sự u ám, nặng nề, tù túng bao nhiêu thì cái không gian tiếp theo mở ra cũng tù túng, ảm đạm không kém- đó là căn buồng ngày ngày Mị quẩn quanh. Nó kín mít, thứ duy nhất để ánh sáng có thể lọt vào là “ một chiếc lỗ vuông cửa sổ bằng bàn tay”. Trong không gian bao trùm là bóng đen đè nặng, có một chút le lói của ánh sáng chiếu vào, nhưng thứ ánh sáng ấy cũng mù mờ, hư ảo vô định trong màu “ trăng trắng không biết là sương hay là nắng”. Dường như mọi ý thức về thời gian và không gian trong Mị cũng mờ nhạt như thứ ánh sáng kia. Bức tường đã là rào cản ngăn cách MỊ với ánh sáng bên ngoài, là một vách ngăn hữu hình tách biệt cô với tất cả những rực rỡ, tươi vui của cuộc sống để cuộc đời đang diễn ra với cô chỉ toàn là những thứ bị bóng tối của không gian vùi lấp, bị bóng tối xâm lấn cả phần tâm hồn, ràng buộc đôi chân và trói chặt cả những tiếng phản kháng dù rất mãnh liệt ngày trước trong Mị. Bóng tối, dù nó luôn im lặng, nhưng lại mang sức mạnh ghê gớm, nó khuất phục con người bằng cách giết dần giết mòn đi sức sống, bằng cách buộc người ta phải chấp nhận cúi đầu mà cam chịu lẩn mình trong nó. Và Mị cũng đang là nạn nhân của bóng tối, dường như sống chung với cái khổ, sống chìm trong bóng tối lâu rồi nên Mị quen khổ rồi và Mị cũng quên đi cả ánh sáng. Những tội ác bất nhân của cha con Thống lí đẩy Mị vào tận cùng của nỗi tủi cực, tái tê, nhưng những định kiến trong chính con người Mị lại càng đẩy nàng đến vực thẳm của bất hạnh. Bất hạnh gì bằng việc con người không còn cảm giác, cảm nhận được cái khổ? Bất hạnh gì bằng việc con người ấy nhìn ra ánh sáng mà vẫn chấp nhận chết trong bóng tối? Mị cũng nghĩ tới tương lai, nhưng đó lại là vòng lặp của quá khứ, của những gì đang diễn ra trước mặt, của cái chết vùi trong cam chịu và, bóng tối… Lúc này, những giày vò thể xác đã không là gì vì nó đã khiến Mị chai lì, nhưng con ma của sự thỏa hiệp, của sự tê liệt hoàn toàn cảm xúc cuộc sống mới thật đáng sợ.

Trở về những ngày tháng xưa cũ, ta vẫn giữ vẹn nguyên trong lòng hình ảnh một cô Mị đẹp như đóa ban trắng của núi rừng Tây Bắc, vừa thắm sắc, đượm hương; một cô Mị khao khát tình yêu và tự do, có ý thức sâu sắc về quyền sống, từng tha thiết xin cha “ đừng gả con cho nhà giàu”, từng có ý định ăn lá ngón kết thúc chuỗi ngày sống không bằng chết. Giờ đây thì sao? Đau đáu trong ta lại là ánh mắt vô thần nhìn ra cái lỗ vuông cửa sổ, là gương mặt chìm lấp trong bóng tối, là sự câm nín cam chịu sống chung với những tháng ngày vô nghĩa và mù mờ hướng về tương lai với cái chết là dấu chấm nhạt nhòa cho cuộc đời một con người. Đoạn văn ngắn, nhịp văn chậm, không nhiều những góc cạnh gằn dữ, nhưng Tô Hoài đã khắc họa đủ sự suy sụp, tê liệt hoàn toàn sức sống của Mị sau những ngày tháng sống trong đau khổ và sống chung với bóng tối. Qua đó, ngòi bút lên án cũng đanh thép hơn bao giờ hết, vì đâu mà Mị thay đổi nhiều quá như vậy? Vì đâu mà bóng tối có thể lấn lướt để ngự trị trong một con người từng luôn hướng về ánh sáng của tự do và hạnh phúc?

Nếu chỉ dừng lại ở những lầm lũi, bế tắc, đau thương trong bi kịch thì truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” chẳng hơn gì những tác phẩm Trước Cách mạnh khi bước chân cuối cùng của con người luôn là những bước đường cùng đầy ai oán. Nhưng không, Tô Hoài muốn khẳng định, không phải hoàn cảnh có sức tác động ghê gớm làm con người bị cuốn theo nó, bỏ lại đằng sau bao giá trị, mà ở đâu đó vẫn tỏa sáng lên sức mạnh nội tâm quật cường tiềm ẩn trong chính những con người tưởng chừng như đã vắt kiệt sức sống như Mị. Vì thế, khi mùa xuân tới, theo những thay đổi của thiên nhiên vạn vật là sự đổi thay, nảy nở những mầm sống, khát vọng nơi trái tim con người: Ở đoạn văn miêu tả này, Tô Hoài khắc họa nhân vật Mị với bao nhiêu sự hồi sinh trong cảm thức về cuộc sống, về cả chính số phận mình. Cái nồng nàn của lửa, của men rượu, cái tươi vui rộn ràng của mùa xuân Hồng Ngài đã đánh thức tâm hồn Mị, tiếng sáo đã vọng đến đôi tai Mị để truyền đến trái tim những rung động thổn thức, bồi hồi sau bao tháng ngày bị trơ lì, cằn cỗi. Mùa xuân là tín hiệu đẹp trong sự hồi sinh và nó đang làm hồi sinh chính tâm hồn Mị. Đêm tình mùa xuân, cái đêm tình tứ lứa đôi ngọt ngào, đêm của những xúc cảm yêu thương, hay đêm được tượng trưng bởi tiếng sáo mê ly, đã đến. Sau khi cất tiếng hát nhẩm thầm lời bài hát người đang thổi, Mị uống rượu, có lẽ để say, và say là để quên đi thực tại và dũng cảm sống lại với ký ức thuở xa xưa. Hành động tiếp theo của Mị là bước vào phòng, cái căn phòng là vách ngăn khắc nghiệt của Mị với thế giới ngoài kia. Vẫn có thứ ánh sáng đặc trưng trăng trắng qua khe lỗ vuông nhỏ hẹp, lúc này Mị nhìn ra, không phải ánh mắt vô hồn, không phải với suy nghĩ về cái chết rũ xương ở nơi tù túng này, mà là cảm xúc, là thứ cảm xúc ít ai có thể ngờ đến được “phơi phới trở lại, trong lòng đột nhiên vui sướng như những đêm tết ngày trước”. Tiếng sáo đánh thức trong lòng Mị hai tiếng “ ngày trước” và “ mùa xuân này”. Trong lòng Mị đã bắt đầu có khái niệm về thời gian trở lại, nó làm ta nhớ đến CHí Phèo vì tình cảm Thị Nở mà lần đầu tiên hắn tỉnh mà cảm được thời gian và tuổi già đang ở trước mắt. Và khi biết nhìn vào thời gian là khi con người có ý thức. Ý thức đang dần sống lại trong Mị. Một quá khứ êm đẹp, một tuổi xuân phơi phới, tất cả cùng sống lại vẹn nguyên như thuở ban đầu, sống thật từng khoảnh khắc trong Mị. Rượu đang làm say lòng người hay chính quá khứ êm đẹp đang gây men làm say lòng Mị để Mị thấy “ phơi phới”,” đột nhiên vui sướng”. Nhưng bất hạnh thay, đó chỉ là những cảm xúc của quá khứ, của ảo ảnh chứ không đến từ hiện tại. Tô Hoài thực sự là người biết đi vào những kẽ sâu của tâm hồn để cho nhân vật cất lên tiếng nói bên trong: “Mị trẻ lắm, Mị hãy còn trẻ.”. Khi một người đàn bà không thiết sống, cả đời vùi vào công việc, cả đời chấp nhận sống trong căn buồng tăm tối, ngột ngạt, không chút đoái hoài đến bản thân, lại nhận ra mình còn trẻ lắm, thì đó là một cảm xúc bi kịch. Người ấy đang giật mình mình lại thương mình xót xa”. Người ấy đang cay cực nhận ra phần hiện thức khốn cùng mà oan uổng cho một tuổi xuân, xót xa cho thân phận và phẫn uất cho số kiếp này. Đó là sự tự nhận thức, một sự tự nhận thức cao độ về bi kịch của bản thân- cái mà suốt một phần đười Mị đã cúi mặt đi qua. Tiếng nói bên trong tiếp tục lên tiếng, răng: “Bao nhiêu người có chồng cũng đi chơi ngày tết. Huống chi Mị và A Sử không có lòng với nhau mà vẫn phải ở với nhau.”. Nó đủ thuyết phục cho ý định “ Mị muốn đi chơi”. Nó đủ để Mị dũng cảm lựa chọn sống với tiếng nói khát vọng của bản thân. Rồi khi ý thức cá nhân dâng lên mạnh mẽ, một khi ý thức ấy lên đến đỉnh điểm, thì Mị lại càng không thể chấp nhận nhục nhã, đau đớn sống trong cảnh “ sống không ra người “nữa. Sức sống của khát vọng, và đến bây giờ, sức sống scuar tự do lên tiếng, và lá ngón, một lần nữa lại xuất hiện: “ Nếu có nắm lá ngón trong tay lúc này, Mị sẽ ăn cho chết ngay chứ không buồn nhớ lại nữa”. Giải thoát! Tự do! Mị không thể tự do về thể xác nhưng cô có thể tự do về tâm hồn khi cô kết thúc chuỗi bi kịch bằng cái chết.Như vậy lá ngón lại xuất hiện với tầng ý nghĩa mới, đó là sự giải thoát, giải thoát khỏi địa ngục trần gian.Địa ngục ở đây không chỉ là những nỗi đau chồng chéo về thể xác lẫn tinh thần, mà địa ngục thật sự là khi phải sống trong lầm than với những hồi ức ngọt ngào cứ hiện hữu. Lại một sự tự nhận thức cao độ, rằng Mị đã mất tất cả: tình yêu, hạnh phúc và tự do. Nó đánh dấu sự thức tỉnh của một tâm hồn tưởng đã “ Chết đi trong cõi sống” ( Chu VĂn Sơn). Tất cả những gì ta thấy, ta hiểu và ta cảm được về sức sống đang lớn dần lên , bừng tỉnh trong con người Mị đã khẳng định một sự thật, Mị không còn bỏ quên mình trong bóng tối, trong vô cảm tàn nhẫn. Mị thôi làm “ con rùa nuôi trong xó cửa”. Mị muốn làm cánh chim tung bay trong đêm tình mùa xuân.

Hai đoạn văn là hai mảng cuộc đời rất khác nhau của cùng một con người, mà ở đó có những bước ngoặt làm thay đổi rất nhiều thứ trong Mị. Từ cô Mị như một chân dung tĩnh, sống cuộc đời thờ ơ với nỗi đau và khát vọng của chính mình, thì trong hương sắc men say của đêm tình mùa xuân và tiếng sáo dập dờn vi vu nơi thôn bản, đã thổi lại cho cô cảm xúc của trái tim biết yêu, biết nhớ, biết căm hờn, đặc biệt hơn nữa là cảm thức mãnh liệt về thân phận, về bi kịch của số phận. Trong sâu thẳm lòng Mị vẫn có một tiếng hát mà không đòn roi cường quyền, không bóng ma thần quyền nào có thể hủy diệt được.

Những bước đi trong tâm lí nhân vật đã được nhà văn Tô Hoài bắt lấy và dụng vào ngòi bút nghệ thuật để gửi trọn những tư tưởng, suy nghĩ có chiều sâu của mình. Không chỉ ở hai đoạn văn được trích dẫn mà trong cả tác phẩm, Mị hiện lên không nhiều ở lời nói, Mị như một bức chân dung tĩnh, hầu như trong nhà Thống lí Mị chỉ nói có vài ba câu, nhưng nhà văn luôn biết xoáy sâu vào đời sống tinh thần “cộng nhiều sóng gió”, đấu tranh mãnh liệt trong người con gái ấy. Những khoảng lặng Mị ngồi bần thần nhìn ra ngoài ô cửa bằng bàn tay, không phân định được thứ ánh sáng lọt qua khe ấy là ánh nắng hay sương đêm, không nghĩ nhiều về sự giải thoát mà nghĩ về an phận chết cùng, chết trong chính căn buồng giảm hãm tuổi xuân và hạnh phúc của nàng,… Chi tiết không nhiều, nhưng thực sự nó trở thành điển hình nhất cho những đau thương, mất mát bủa vây, dồn ép con người ta đến bước phải đầu hàng với số phận. Và cũng khai thác rất tinh tế từ một góc nhìn trong một con người ấy thôi, vào đêm tình mùa xuân, Mị cũng nhìn ra ô cửa vuông, cũng thấy thứ ánh sáng trắng trắng, nhưng lần này lại khác, nó mang niềm phơi phới trở lại, nó đi vào với sự vui sướng đột nhiên xuất hiện cùng những hoàn niệm xưa cũ. Lúc đó, MỊ không sống bằng sự lãnh đạm, thờ ơ như trước nữa và sống bằng hết sự nồng nhiệt, cháy bỏng của con tim tuổi trẻ. Sự đối lập được nhà văn vận dụng miêu tả tâm lí tinh tế, cho người đọc phát hiện ra những biến chuyển tâm lý rất mạnh, đột ngột mà cũng hợp lí xuất hiện trong nhân vật Mị. Cũng khai thác ở sự đối lập, ở trên Mị nghĩ về cái chết, cái chết ấy là cái chết sinh lí, tất yếu và vô định, nó thể hiện cái nhìn bi quan, chán nản và buông mình thả trôi theo vần xoay của cuộc đời, không phản kháng, không uất ức. Còn trong đêm mùa xuân, Mị cũng nghĩ đến cái chết, cái chết ngay đi được nếu có thể. nó không phải sự bi quan, đầu hàng số phận nữa, mà ngược lại, cái chết lúc này là hiện thân cho sự tự nhận thức về những cay đắng và khát vọng hạnh phúc mãnh liệt nhất trong con người Mị. Mị muốn chết vì Mị biết mình không thể sống chìm nghỉm trong tủi cực mãi, không thể sống khi những kí ức đẹp về tự do, hạnh phúc cứ bị thực tại trái ngang vùi dập. Nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật của Tô Hoài đã thực sự thành công trong việc hình thanh những đối cực xung đột để cho người đọc hiểu và cảm được quá trình tranh chấp giữa khát vọng sống và đầu hàng số phận của nhân vật Mị. Từ đó,niềm tin được nâng cao vào sức sống của con người sẽ không bị hoàn cảnh chôn vùi mà nó luôn tìm ẩn đợi một ngày tỏa sáng.
Đồng thời ta cũng xét đến giọng điệu kể của nhà văn, chậm rãi, tự nhiên thể hiện sự đồng cảm thương xót và thấu hiểu chính nhân vật của mình. Nhiều chỗ Tô Haoif như hòa vào dòng suy nghĩ và tiếng nói bên trong của nhân vật: MỊ còn trẻ. Mị còn trẻ lắm… Nghệ thuật kể chuyện kết hợp nhiều điểm nhìn: bên ngoài, bên trong, xa, gần,… Tất cả, dưới mỗi trang văn, là những bè nghịch âm cùng giao hưởng,các mặt đối cực tranh chấp giúp tâm lý luôn vận động, chuyển hóa, tựa như những dòng độc thoại không dứt.

Kết bài

Cảm hứng xuyên suốt tác phẩm là cảm hứng hồi sinh, qua hai đoạn văn trích dẫn điểm hình và toàn tác phẩm, nhân vật MỊ hiện lên với khát vọng sống, khát vọng yêu chân chính và mãnh liệt để đi qua những tháng ngày đầy rẫy những đau thương, nước mắt và bóng tối. Tô Hoài đã không ngần ngại để “ hát cho chính đồng bào nghe bài hát lạc điệu của họ để nói ra sự thật, mà đã là sự thật thì không tầm thường” ( Chu Văn Sơn). Ta cũng thầm cảm ơn cái tâm và cái tài của nhà văn đã truyền tới người đọc sức đấu tranh mạnh mẽ khi con người tưởng chừng bị hoàn cảnh hạ gục, đồng thời gửi đến thế hệ sau một áng văn giàu tính nghệ thuật, dào dạt chất thơ, tựa một viên ngọc đẹp và sáng.

Nguồn: https://congdecor.vn/ban-can-biet/phan-tich-nhan-vat-mi-trong-dem-tinh-mua-xuan-vo-chong-a-phu.html

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *